[VIDEO] Cách tắm cho bé sơ sinh
Với nhiều bà mẹ trẻ, việc tắm cho trẻ sơ sinh thực sự là một thử thách không hề đơn giản. Bởi với cơ thể non nớt của trẻ, chỉ cần một sơ suất nhỏ là trẻ rất dễ bị tổn thương. Dưới đây là những kiến thức căn bản về cách tắm cho bé sơ sinh tại nhà, các bậc làm cha làm mẹ nên tìm hiểu để giúp cho việc tắm cho bé trở nên đơn giản hơn.
Các bước chuẩn bị trước khi tắm cho trẻ
Các chuyên gia khuyến cáo, đối với trẻ sơ sinh việc tắm rửa là cần thiết nhưng không cần quá nhiều. Các mẹ chỉ nêm tắm cho bé khoảng 2-3 lần mỗi tuần và tăng tần suất tắm khi bé lớn hơn.
Đặc biệt, khi tắm cho những trẻ sơ sinh mới chào đời, các mẹ cần đặc biệt lưu ý phải tắm cho trẻ đúng cách.
Trước khi tắm, các mẹ cần phải chuẩn bị các đồ dùng cần thiết và môi trường phù hợp để giúp quá trình tắm cho trẻ được thuận lợi, không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và không làm mất quá nhiều thời gian.
Chuẩn bị phòng tắm:
Cơ thể trẻ sơ sinh rất yếu ớt nên không thích hợp tắm ở những nơi có nhiều gió, quá nóng hay quá lạnh.
Do đó, khi tắm cho trẻ, các mẹ cần chuẩn bị một nơi kín gió, đủ ánh sáng với nhiệt độ phòng trong khoảng 29-30 độ.
Ngoài ra, khi tắm cho trẻ, các mẹ không nên bật điều hòa hoặc quạt nhưng vào mùa đông, các mẹ nên dùng máy sưởi để giữ ấm cho trẻ khi tắm.
Chuẩn bị đồ dùng tắm cho trẻ
Thông thường khi tắm cho trẻ sơ sinh, các mẹ cần chuẩn bị đầy đủ những vật dụng sau:
Chậu tắm: Chuẩn bị 2 chiếc chậu tắm cho trẻ, một cái dùng để tắm và một chiếc dùng để xả sạch sau khi tắm.
Khăn tắm: Mẹ cần chuẩn bị 1 chiếc khăn nhỏ để tắm cho trẻ và 1 khăn lớn để lau khô người cho trẻ sau khi tắm xong.
Dầu tắm: Làn da của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, do đó, mẹ nên chọn các loại dầu tắm hữu cơ – organic, không chất hóa học, không chất tạo màu, tạo mùi để tắm cho trẻ.
Nước tắm: Khi tắm cho trẻ sơ sinh, các mẹ cần sử dụng nước ấm có nhiệt độ khoảng từ 37 – 38 độ.
Tăm bông, bông gòn vô trùng, miếng rơ lưỡi
Quần áo, bao tay, bao chân, tã giấy
Dầu tràm, nước muối sinh lý, phấn rôm
Hướng dẫn cách tắm cho bé sơ sinh
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các yếu tố cần thiết để tắm cho trẻ, các mẹ sẽ bắt đầu tắm cho bé theo từng bước sau:
Bước 1: Tắm rửa phần đầu và mặt bé
- Trước tiên mẹ hãy đặt bé lên một mặt phẳng, cởi hết quần áo, tã giấy ra. Nhẹ nhàng bế bé ngồi xổm trước chậu tắm, đặt bé lên đùi, tay trái đỡ gáy, kẹp chặt bé vào bên hông của mình.
- Tiếp đó, mẹ hãy dùng miếng bông thấm nước sạch để lau nhẹ nhàng hai mắt của trẻ từ góc bên trong ra ngoài. Nên sử dụng 1 miếng bông cho một bên mắt.
- Sau đó, mẹ hãy dùng khăn sạch, nhúng nước ấm, vắt khô để lau miệng, mũi và cả khuôn mặt của bé, bắt đầu từ giữa rồi ra bên ngoài. Chú ý lau sạch các nếp cổ và khu vực đằng sau hai tai của trẻ.
- Tiếp theo mẹ dùng khăn lau đầu cho bé, đổ sữa tắm ra lòng bàn tay rồi massage một cách nhẹ nhàng xung quanh phần đầu của bé.
- Mẹ hãy dùng ca nhỏ múc nước ấm để làm sạch đầu cho em bé, chú ý bịt tai của trẻ lại để tránh cho nước chảy vào tai.
- Sau đó mẹ dùng 1 chiếc khăn mềm để lau khô lại đầu và mặt bé.
Bước 2: Vệ sinh cơ thể bé
Sau khi vệ sinh sạch sẽ phần đầu và mặt cho trẻ, các mẹ chuyển sang bước tắm cơ thể và chân tay cho bé.
- Mẹ cho phần thân bé vào thau tắm, chú ý nhiệt độ nước.
- Tiếp đó mẹ hãy dùng tay nhẹ nhàng thoa sữa tắm đều khắp cơ thể trẻ, bắt đầu từ phần cổ đến kẽ tay và nách của trẻ.
- Sau khi thoa sữa tắm hết phần bên trên, mẹ lật nghiêng trẻ để thoa tiếp hết phần lưng và mông trẻ.
- Đặc biệt, mẹ cần chú ý vệ sinh sạch khu vực vùng kín, bẹn, khủy tay, khủy chân… của trẻ. Với bé gái, mẹ nên lau nhẹ nhàng vùng sinh dục từ trước ra sau; với bé trai mẹ cũng lau rửa thật kỹ, chú ý không nên lộn ngược da bao quy đầu của trẻ.
- Lưu ý với những trẻ chưa rụng rốn, mẹ cần tắm cẩn thận, tuyệt đối không để nước rơi vào cuống rốn của bé để hạn chế tình trạng nhiễm trùng.
Bước 3: Tắm lại một lần nữa
- Sau khi đã thoa sữa tắm và massage nhẹ nhàng khắp người bé, mẹ hãy bế bé sang chậu tắm khác đã đổ ngập 2/3 nước mới, có nhiệt độ phù hợp.
- Mẹ dùng tay đỡ vai và cổ cho bé, tay còn lại vốc nước lên người bé để tắm sạch bọt sữa tắm.
- Sau khi tắm xong phần phía trước, mẹ lật ngiêng người bé lại và tắm sạch phần lưng.
Bước 4: Chăm sóc trẻ sau khi tắm
- Sau khi bé được tắm xong, mẹ hãy bế bé lên giường, đặt vào chiếc khăn khô đã được trải sẵn. Lau thật khô người của trẻ bằng khăn mềm sạch.
- Mẹ hãy nhỏ 1 giọt nước muối sinh lý vào mắt, mũi của trẻ và nhỏ một ít nước muối vào miếng rơ lưỡi rồi rơ lưỡi cho bé. Sử dụng tăm bông để lau khô vành tai bé.
- Tiếp đó, mẹ hãy đổ phấn rôm ra tay và khoa vào cổ, nách, ngực, bẹn, mông, khủy tay, khủy chân trẻ.
- Với trẻ chưa rụng rốn, mẹ dùng cồn 70 độ để sát trùng và thay băng rốn cho trẻ. Trong trường hợp phát hiện rốn trẻ bị sưng tấy, có mủ, mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ kịp thời.
- Sau khi các bước trên đã hoàn tất, mẹ mặc tã giấy, quần áo sạch cho trẻ.
- Mẹ hãy xoa 1 chút dầu tràm vào 2 tay rồi chà vào lồng ngực, lưng, lòng bàn tay và bàn chân của bé.
- Cuối cùng hãy đeo bao tay, bao chân, mũ và khăn cho bé và ôm con vào lòng để ủ ấm.
Một số vấn đề cần lưu ý khi tắm cho trẻ sơ sinh
Các chuyên gia khuyên các mẹ khi tắm cho trẻ cần chú ý đến những vấn đề sau:
- Nên tắm cho trẻ trước khi ngủ hoặc sau khi ăn khoảng từ 1 – 2 tiếng để giúp trẻ không bị trớ, ngủ ngon và sâu hơn.
- Nếu mẹ chưa quen với việc tắm cho bé thì có thể dùng khăn nhúng nước ấm để lau người cho trẻ.
- Không nên tắm cho trẻ quá 10 phút;
- Hạn chế việc tắm cho trẻ nhiều lần trong ngày, vào những ngày hè nếu quá nóng mẹ có thể sử dụng khăn ẩm lau sạch người cho bé.
Tắm cho trẻ sơ sinh là một việc khá khó khăn đối với các ông bố bà mẹ. Tuy nhiên khi nắm vững những kiến thức để tắm cho trẻ đúng cách, các bạn sẽ thấy đây là một việc hết sức đơn giản và không có gì đáng ngại. Hãy chăm sóc con yêu thật tốt để trẻ có thể phát triển thật khỏe mạnh và hạnh phúc.